Theo kết quả nghiên cứu, mối quan hệ Việt Nam – Nhật Bản được thế giới biết đến từ khoảng thế kỷ thứ 7.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe - Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Cho tới nay, có thể khẳng định, quan hệ Việt Nam-Nhật Bản là mối quan hệ rất đặc biệt, là bạn bè điển hình trong bối cảnh tình hình thế giới hiện đại có những biến đổi khó đoán.
Để có được điều đó, ngoài sự gắn bó tự nhiên tồn tại trong nhiều trăm năm, còn có cả sự vun đắp, nuôi dưỡng của nhiều thế hệ người Việt Nam và Nhật Bản.
Đến nay, Nhật Bản trở thành nước đầu tư hàng đầu vào Việt Nam, nước tài trợ vốn ODA lớn nhất, có nhiều công ty mở rộng hoạt động nhất, thường xuyên hợp tác giao lưu văn hóa nhất đối với Việt Nam.
Ngược lại Việt Nam coi Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu, thường xuyên trao đổi đoàn ở cấp cao nhất sang thăm Nhật Bản.
Dựa trên những nền tảng đó, quan hệ hai nước đang hết sức tốt đẹp, góp phần vào phát triển chung của mỗi nước.
Đối với người Việt Nam, nhắc đến mối quan hệ Việt Nam-Nhật Bản thì hầu như ai cũng biết về Hội An và đều nghĩ rằng quan hệ hai nước bắt đầu từ thế kỷ 15-16. Trên thực tế, hai nước đã có những dấu ấn trong quan hệ từ rất sớm.
Nhà nghiên cứu người Nga P. I Boriskovski cho rằng: “Từ sơ kỳ thời đại đồ đá mới, ở miền Trung nước Nhật Bản đã thể hiện những mối liên hệ với nền văn hóa Hòa Bình-Bắc Sơn ở Việt Nam”. Nghĩa là từ khoảng thế kỷ thứ 7 trên thế giới đã biết tới quan hệ Việt Nam-Nhật Bản.
Từ đó đến nay, những dấu ấn trong mối quan hệ hai nước còn lưu lại rất nhiều. Nhiều bảo tàng ở Việt Nam và Nhật Bản còn lưu giữ những vật phẩm, tác phẩm nghệ thuật… nhiều nơi còn để lại di tích mang tính lịch sử về quan hệ hai nước như: Hội An, Hà Nội (Việt Nam), Sizuoka, Tokyo, Nagoya, Nagasaki (Nhật Bản).
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là mối quan hệ giữa người dân Nhật Bản đối với người dân Việt Nam là vô cùng đẹp đẽ và thân thiết. Tuy có những giai đoạn thăng trầm, nhưng chính xuất phát từ tấm lòng mà mối quan hệ này càng ngày càng phát triển, ngày càng trở thành mối quan hệ hiếm có trên thế giới.
Nếu trong thời kỳ chiến tranh, người dân Nhật Bản không chỉ ủng hộ nhân dân Việt Nam đấu tranh, giành tự do độc lập, mà còn ủng hộ vật chất, thì thời bình, nhân dân hai nước có những giao lưu thường xuyên tăng cường hiểu biết, mối thâm tình sẵn có.
Có rất nhiều tổ chức, cá nhân giúp đỡ lưu học sinh Việt Nam, những người Việt Nam gặp khó khăn khi sinh sống tại Nhật Bản. Ngược lại, nhân dân Việt Nam khi nhắc tới người Nhật Bản đều có một sự tin tưởng, thân thiết rất tự nhiên.
Không phải ngẫu nhiên, khi dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tại Mie vào tháng 5/2016, mặc dù bận bịu bởi lịch trình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn dành thời gian đến thăm ngôi Chùa cổ Jomyo ở Nagoya, tận mắt chứng kiến bức tranh Thác Kiến Quan Thế Âm mà Chùa Nguyễn Phúc Nguyên ban tặng cho một thương nhân người Nhật Bản tên là Araki Sataro cách đây 400 năm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm ngôi chùa mang dấu ấn quan hệ Việt - Nhật.
Điều này thể hiện chiều sâu về văn hóa, khơi gợi lại chứng cứ lịch sử quý báu liên quan đến mối tương giao giữa nhân dân hai nước đã có từ xưa.
Hơn thế nữa, trong bối cảnh hiện tại, nhiều lần Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong các buổi tiếp kiến lãnh đạo cao cấp của Việt Nam tại Nhật Bản đã đều nói rằng mối quan hệ hai nước là mối quan hệ bạn bè thân thiết, dựa trên lòng tin.
Chính vì vậy, trong tiềm thức người Việt Nam, người dân Nhật Bản, đất nước Nhật Bản là nơi có niềm tin.
Để củng cố mối thâm giao đó, hai nước còn quan tâm tới quan hệ kinh tế vì lợi ích chung. Đến nay, Nhật Bản đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai, đối tác thương mại lớn thứ tư và đối tác lớn thứ 3 về du lịch của Việt Nam.
Theo số liệu chính thức, tính đến hết 2016, Nhật Bản có hơn 3.200 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 42 tỷ USD, chiếm 15% tổng FDI vào Việt Nam.
Kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước năm 2016 đã đạt gần 30 tỷ USD, và phấn đấu tăng gấp đôi đến năm 2020.
Bên cạnh đó, Nhật Bản, là quốc gia viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho Việt Nam, chiếm khoảng 30% tổng cam kết ODA của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam.
Nhiều dự án của Nhật Bản đã hoàn thành và đưa vào khai thác rất hiệu quả, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.
Tất cả những nỗ lực vun đắp cho tình cảm giữa nhân dân hai nước trong nhiều thế kỷ qua được thể hiện bằng trái ngọt của quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng, sự yêu mến tự nhiên, không tính toán của người Việt Nam đối với người Nhật Bản, của sự tôn trọng của người dân Nhật Bản đối với sự cần cù, dũng cảm của người dân Việt Nam./.
Theo Bùi Dũng - Vov.vn