Chiều 5/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chứng kiến lễ trao hàng loạt hợp đồng, giấy chứng nhận, thỏa thuận hợp tác đầu tư trị giá 22 tỷ USD giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp Nhật Bản.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến lễ trao hàng loạt hợp đồng, hợp tác đầu tư giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp Nhật Bản.
Chiều 5/6, tại Tokyo, Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã dự Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam với sự tham dự của 1.600 đại biểu, doanh nghiệp, trong đó có 200 đại biểu doanh nghiệp Việt Nam.
Thủ tướng cho biết, hoạt động thương mại song phương giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản đã phát triển mạnh từ cách đây hơn 400 năm khi các thương nhân Nhật Bản thành lập "thị trấn Nhật Bản" tại Hội An, tỉnh Quảng Nam, Việt Nam.
Nhật Bản cũng là quốc gia viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho Việt Nam, là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai, là đối tác lớn thứ ba về du lịch và là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam.
Dẫn lời của Thủ tướng Sinzo Abe trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 1/2017 vừa qua rằng: "Dòng sông Hồng hùng vĩ chảy xuyên suốt qua Hà Nội, hướng ra Biển Đông, tới biển Hoa Đông rồi nối dòng với Vịnh Tokyo. Không gì có thể ngăn sự tự do qua lại trên dòng chảy này. Nhật Bản và Việt Nam là hai nước láng giềng được gắn kết bởi vùng biển tự do", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói:
“Ngày hôm nay khi lần thứ 2 tôi đến thăm chính thức Nhật Bản trên cương vị Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, được đứng phát biểu trước 1.600 đại biểu, doanh nghiệp, trong đó có 200 đại biểu doanh nghiệp Việt Nam, tôi tin tưởng rằng không gì có thể ngăn cản được một kỷ nguyên mới về sự thân tình, gần gũi, tin cậy trong hợp tác phát triển giữa hai nước”.
Về phía Nhật Bản, các nhà đầu tư đều đánh giá cao môi trường kinh doanh của Việt Nam, như lời ông Yutaka Watanabe, Chủ tịch Công ty Towa Industry Việt Nam là “nếu đầu tư ngoài Nhật Bản thì nghĩ ngay đến Việt Nam”. Ông cho rằng Chính phủ Việt Nam nên duy trì, phát huy kết quả này.
Các doanh nghiệp kiến nghị nhiều vấn đề mà họ thấy cần thiết trong quá trình đầu tư tại Việt Nam khi phát triển nguồn nhân lực, nhất là có nguồn lao động quản lý chất lượng cao, biết tiếng Nhật.
Đồng thời đề nghị phía Việt Nam tiếp tục có các chính sách thông thoáng hơn như quy định về nhập khẩu thiết bị, giới hạn diện tích xây dựng đối với bãi trông giữ xe hay chính sách phát triển công nghiệp ô tô…
Theo Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe: “Khi tôi được bầu làm Thủ tướng lần đầu tiên, lúc đó tôi đã sang thăm Việt Nam cùng với đoàn 130 doanh nghiệp. Từ đó đến nay, các hoạt động của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đã được mở rộng mạnh mẽ. Sau khi được bầu làm Thủ tướng lần thứ hai, chuyến công du nước ngoài đầu tiên của tôi là đến Việt Nam”.
Có thể nói, mối quan hệ hợp tác trên tất cả lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giao lưu nhân dân… đều có sự phát triển mạnh mẽ trên tinh thần đối tác phát triển sâu rộng của nhau, Thủ tướng Nhật Bản khẳng định.
“Tôi và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp nhau lần này là lần thứ 5 và tôi tin tưởng chắc chắn rằng dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản sẽ càng phát triển hơn nữa”, Thủ tướng Abe nói và cho biết, sau chuyến thăm Việt Nam vào tháng Một vừa qua, ông cùng với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiến hành tọa đàm với các doanh nghiệp.
Thủ tướng Shinzo Abe cũng khẳng định, Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ, giúp Việt Nam tổ chức thành công Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương năm 2017.
Cũng tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chứng kiến lễ trao hàng loạt hợp đồng, giấy chứng nhận, thỏa thuận hợp tác đầu tư trị giá 22 tỷ USD giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp Nhật Bản.
Theo N.Mạnh - Bizlive.vn