Lối sống tối giản được người Nhật Bản tiên phong vì đây là nơi theo tinh thần võ sĩ đạo xa rời vật chất. Vùng đất này cũng hay xảy ra thiên tai, trong tình huống đó thì nhiều đồ đạc là một mầm họa.
Phòng làm việc theo phong cách tối giản của người Nhật.
“Sống đơn giản cho đời thanh thản"
Sống tối giản (minimalism) là phương pháp sống giảm thiểu đồ đạc, tiện nghi chỉ tập trung vào những nhu cầu tinh thần cốt lõi, hiểu và biết mình muốn gì, cần gì. Trong thế giới chạy theo nhu cầu và mua sắm như hiện nay, lối sống tối giản nổi lên đi ngược lại xu thế. “Với ít đồ đạc, chúng ta có thể để tâm đến hạnh phúc” - Sasaki Fumio - Nhà sáng lập trang web “Minimal & ism less is future” chia sẻ. “Không ai sinh ra với vật chất hay chết đi đem vật chất theo được cả. Chúng ta đang phung phí thời gian, tiền bac, và suy nghĩ cho các dạng vật chất rồi sẽ mất đi trong vài năm tới”.
Lối sống tối giản là lối sống cắt giảm vật dụng đến mức tối thiểu. Và với cuộc sống ít đồ vật, chúng ta sẽ càng dễ chiêm nghiệm về bản thân và các yếu tố tinh thần hạnh phúc nhiều hơn nữa. Trang web “Minimal & ism less is future” của Nhật Bản đã đưa ra định nghĩa về người sống tối giản là người thực sự hiểu rõ cái gì là cần thiết cho mình chứ không phải theo đánh giá của người xung quanh. Nói khái quát, những người theo phong cách sống tối giản không chỉ rời bỏ những đồ vật thừa thãi mà còn tránh xa những suy nghĩ dư thừa, chỉ tập trung vào giá trị mình mong muốn.
Lối sống tối giản đem cho bạn niềm vui thú kì lạ và cảm hứng làm việc dạt dào mỗi ngày. Bước đầu của sống tối giản là bạn biết chọn lọc và vứt bỏ những đồ dư thừa đi. Công việc này không mất quá nhiều sức, chỉ là bạn ra quyết định và tống chúng lên một trang web bán đồ cũ hay từ thiện nào đó, đôi khi sẽ có người đến tận nhà ngã giá cho bạn. Nhưng không phải ai cũng làm được. Buông bỏ là một trong những thử thách khó nhất mà mỗi người đối mặt. Cảm giác tiếc nuối, lo lắng hay sợ bị hớ ngăn cản chúng ta bắt tay vào làm việc.
Tủ đồ chung cũng hết sức đơn giản.
Tối giản - xu hướng của thời đại mới
Thực chất phong cách sống này đã và đang là trào lưu cho những người trẻ trong độ tuổi 20-30 không chỉ ở Nhật Bản mà còn ở phương Tây, những kẻ ưa trải nghiệm và mong muốn có cuộc sống tự do phóng khoáng, muốn giải phóng mình khỏi tất cả những vướng bận đời thường.
Cố CEO của Apple - Steve Jobs là một người sống tối giản thực sự và là một tín đồ của thiền, một phần trong phong cách sống tối giản. Chúng ta đều biết Jobs có một lối sống cực gì giản dị, với những bộ quần áo chung một kiểu cách, để tiện lợi cho việc chọn lựa. Trong công việc, CEO của Apple luôn tập trung cao độ và biết rõ mình muốn gì, mục đích hướng tới. Ông cũng không bao giờ nói về những điều thừa thãi, thị phi vì không muốn bị lấp đầy tâm trí. Các thiết kế của Apple dưới thời ông đều vô cùng gọn nhẹ, tinh xảo, tránh góc cạnh, dư thừa.
Phong cách sống này đã và đang là trào lưu cho những người trẻ trong độ tuổi 20-30 không chỉ ở Nhật Bản mà còn ở phương Tây.
Hai vợ chồng anh Ofumi - hot bloggers về việc sống tối giản tại Nhật Bản đã chuyển từ căn phòng 78m2 xuống căn phòng 44m2 và vứt đi 130kg đồ đạc. Vợ chồng anh chị chỉ giữ lại những đồ dùng thực sự cần thiết. Để làm được việc kỳ diệu như vậy, hai anh chị đã nghĩ ra phương pháp vẽ tranh cực đáng yêu giúp lưu trữ hình ảnh những vật đã vứt đi, tránh tiếc nuối và dùng phương pháp vẽ để giảm thiểu mua sắm mức tối đa.
Dưới đây là những phương pháp thực hành lối sống tối giản bạn có thể thử áp dụng:
Dùng phương pháp vẽ để lưu trữ đồ dùng
Chúng ta không nỡ vứt một món đồ đi không hẳn vì giá trị mà là do ta níu giữ những kỷ niệm về nó, nhất là những đồ được tặng. Có nhiều đồ được tặng, ta chẳng dùng bao giờ nữa nhưng cứ muốn giữ mãi bên mình. Hãy chụp hình hoặc đơn giản là vẽ lại nó, tuy bạn đã vứt đi nhưng kỷ niệm vẫn còn mãi cạnh bên.
Vẽ lại đồ đạc là một phương thức giúp chúng ta giữ lại kỷ niệm về chúng.
Biết rõ những tiện ích của đồ và mình cần gì
Khi sống tối giản thì có cực ít đồ vật, yêu cầu chúng ta phải hiểu thấu tiện ích đồ đạc của mình ở mức cao nhất và dùng chúng tối ưu nhất. Để làm được việc này chúng ta cần tự trau dồi kiến thức, và ghi chép mọi thứ rồi nghiền ngẫm một cách cẩn thận như anh chị Ofumi đã làm.
Đầu tiên, hãy vứt những đồ bạn coi là rác trước, ít công dụng. Sau đó đến những đồ một năm qua bạn chưa sử dụng, trừ những vật dụng như quạt hay áo rét. Cuối cùng là vứt những đồ tiện ích nhưng bạn có nhiều, bạn không cần nhiều kéo, gọng kính, ví hay tất đến vậy. Giảm thiểu bớt đồ giúp bạn đỡ mất công lựa chọn hơn.
Để loại bỏ bớt đồ dùng, cần biết công dụng của chúng là gì.
Đắn đo kỹ trước khi mua sắm
Trong xã hội hiện đại và tân tiến, sức mua sắm ngày càng lớn, đôi khi chúng ta mua sắm không phải do mình cần mà do nhu cầu người khác đánh giá chúng ta. Những món đồ nào thực sự cần thiết chúng ta nên mua, chứ không chỉ đơn giản là thích. Cảm giác thích một món đồ qua rất nhanh, quần áo, giầy dép mặc lần đầu đầy hứng khởi, sau đó thì nhanh chán thôi. Hãy “ướm” thử xem món đồ mới có cần thiết cho bạn không và chỉ mua thứ đồ thật sự cần.
Nhiều người trong chúng ta để ý người khác nhìn mình như nào, hoặc bị nghe hoặc bởi những tay bán hàng cừ khôi. Đừng đi mua sắm chỉ vì cảm xúc hoặc với tâm lý đi sẽ mua gì đó, hãy lên kế hoạch từ nhà ra cửa hàng chỉ việc cầm về.
Món đồ này hợp với mình quá, nhưng mình có thực sự cần nó không?
Chiêm nghiệm và đam mê
Mỗi ngày chúng ta có hàng ngàn suy nghĩ qua lại nhưng chỉ một số ít trong đó là cần thiết. Thay vì việc để quá nhiều suy nghĩ hỗn loạn trong đầu, bạn cũng có thể tối giản suy nghĩ bằng cách viết chúng ra và lựa chọn những điều phù hợp với hoàn cảnh của mình. Sự mạch lạc và suy nghĩ khoa học giúp bạn thành công hơn trong sự nghiệp. Việc ghi lại và lựa chọn những suy nghĩ của bản thân, cũng là cơ sở để bạn chiêm nghiệm về những điều mình mong muốn và đam mê của mình là gì.
Hai vợ chồng anh Ofumi có đam mê vẽ từ rất lâu nhưng do guồng quay của văn hóa tiêu dùng, khiến anh chị mất quá nhiều thời gian, nhiều năm chỉ để chạy theo mua sắm, chăm sóc đồ vật. Hiện tại khi đã ít đồ vật hơn, anh chị có thể thỏa nỗi đam mê của mình thông qua việc vẽ hàng ngày. Vậy dù đam mê của bạn là gì thì bạn cũng đều có thể theo phong cách sống tối giản được. Chỉ cần bạn dám “từ bỏ".
Ghi lại những suy nghĩ của bản thân là một cách tốt để chiêm nghiệm.
Theo M.T - Tri Thức Trẻ