Nhiều người nghĩ rằng cuộc sống hiện đại với phúc lợi xã hội tốt sẽ đem lại hạnh phúc cho người dân, đặc biệt là lớp trẻ. Nhưng tại sao, giới trẻ Nhật Bản vẫn chìm đắm trong cuộc sống đầy u hoài đến thế?
Thanh niên Nhật Bản ngày càng lún sâu vào vũng bùn của tuyệt vọng.
Thanh niên Nhật Bản đang đi sau nhiều nước phát triển trên thế giới về mức độ hài lòng cuộc sống và sự hạnh phúc. Đây là một trong những thông tin mà báo cáo mới nhất về vấn đề phúc lợi xã hội và hạnh phúc của tổ chức Phát triển và hợp tác kinh tế OECD đưa ra. Nghiên cứu này được tiến hành tại 35 quốc gia; người trẻ tại Nhật Bản chỉ xếp trên Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ về mức độ hài lòng với cuộc sống.
Xét về chỉ số lo lắng, giới trẻ Nhật Bản luôn xếp cao hơn mức trung bình thế giới trong khi chỉ số động lực thành công tại trường học của thanh niên Nhật lại thấp hơn mức sàn. Một nghiên cứu khác được tiến hành trên 540,000 học sinh dưới 15 tuổi tại 72 quốc gia đã dấy lên vấn đề đáng lo trên toàn thế giới: Các nước có nền kinh tế phát triển đi kèm với chỉ số hạnh phúc thấp hơn ở giới trẻ so với nhiều quốc gia kinh tế trung bình khác.
Đây là điều khiến nhiều người lo lắng khi trước đó, người ta luôn nghĩ rằng xã hội với vật chất đầy đủ và sự tự do sẽ khiến cuộc sống của thanh thiếu niên thoải mái hơn.
Đã có rất nhiều nghiên cứu được tiến hành liên quan tới vấn đề này. Năm ngoái, Tổ chức Varkey đã công bố bản báo cáo "Thế hệ Z: Bản nghiên cứu công dân toàn cầu", được xây dựng nhằm đánh giá thái độ của người trẻ độ tuổi từ 15 - 21 tại 20 quốc gia lớn.
Trong các bản báo cáo, giới trẻ Nhật Bản luôn được đánh giá là có mức độ hạnh phúc thấp nhất. Điều này khiến nhiều người lo lắng khi trong năm 2014, tự tử là nguyên nhân chính dẫn tới nhiều cái chết thương tâm của người trẻ Nhật Bản tuổi từ 10-19.
Điều này đã đặt ra câu hỏi cho nhiều người về việc tại sao thanh niên Nhật Bản lại càng lún sâu trong vũng bùn của tuyệt vọng đến vậy? Câu trả lời thực sự rất phức tạp và khó có một đáp án rõ ràng.
Tự tử là một vấn nạn tại Nhật Bản mà không có lời giải đáp.
Đầu tiên, những kết quả nghiên cứu của OECD chỉ ra rằng thành tích học tập, thời gian dành cho việc học và tần suất các bài kiểm tra không liên quan trực tiếp tới mức độ hạnh phúc của người trẻ. Tuy vậy, nó lại cho thấy rằng sự quan tâm của gia đình và nhà trường tới việc giáo dục của trẻ em quan trọng như thế nào.
Theo bản nghiên cứu, những học sinh mà cha mẹ dành nhiều thời gian trò chuyện hay ăn uống cùng thường có tỷ lệ hài lòng với cuộc sống cao hơn khoảng 22-39%. Các em học sinh được cha mẹ hỗ trợ, quan tâm tới việc học ở trường cũng ít bị bạo hành, bắt nạt hơn. Thêm vào đó, học sinh tại các trường có chỉ số hạnh phúc hơn thường được giáo viên quan tâm hơn.
Rõ ràng, những hỗ trợ, quan tâm trong trường học đóng một vai trò quan trọng vào sự hạnh phúc của trẻ nhỏ. Tuy nhiên, cũng có nhiều yếu tố khác ảnh hưởng tới niềm hạnh phúc của trẻ mà ở Nhật Bản đang thiếu.
Những trẻ em dành ít thời gian trò chuyện cùng cha mẹ thường có xu hướng bị bắt nạt và gặp nhiều vấn đề trong trường học hơn.
Ví dụ, học sinh tại các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Nigeria, Indonesia có chỉ số hài lòng với cuộc sống khá cao. Lý do cho điều này là tại các quốc gia này, thanh thiếu niên có mối quan hệ tốt với gia đình. Các cuộc trò chuyện với bố mẹ diễn ra thường xuyên hơn và không chỉ về các vấn đề trong trường học mà nhiều điều trong cuộc sống.
Hơn nữa, tại phần lớn các quốc gia với nền kinh tế đang phát triển, các em học sinh khá lạc quan về tương lai khi cuộc sống vẫn có thể phát triển hơn. Trong khi đó, với trẻ em Nhật Bản, niềm tin vào nền kinh tế đã đạt đỉnh và không có chỗ cho sự phát triển khiến nhiều em trở nên lo lắng cho tương lai của mình.
Với thanh niên Nhật Bản, các em tin rằng "Làm việc chăm chỉ/tự giúp bản thân trong cuộc sống" là giá trị quan trọng nhất của cuộc sống mà các em theo đuổi. Thế hệ trẻ Nhật Bản không mang trong mình suy nghĩ đóng góp cho xã hội là một việc quan trọng, ít nhất trong 20 nước khảo sát. Những niềm tin của người trẻ Nhật dần bị rạn vỡ và khiến các em bi quan về một cuộc sống hạnh phúc hay ý nghĩa.
Theo Thời Đại/ Japan Today