Sau khi tốt nghiệp ngành Kinh tế một trường ĐH tại Nhật Bản, Tâm gom vốn mở tiệm bánh mì. Mỗi ngày, 9X bán được hơn 100 ổ bánh mì với giá 100.000 đồng/ổ. Công việc làm ăn đã bắt đầu có lãi...
Quán bánh mì "Xin chào" của 9X và anh trai lúc nào cũng đông đúc thực khách
2 giờ sáng, Bùi Thanh Tâm (sinh năm 1991, tại Quảng Nam) mới hoàn tất công việc dọn dẹp cửa hàng bánh mì "Xin chào" nằm trên tuyến phố Waseda Dori, một địa điểm kinh doanh sầm uất của thủ đô Tokyo (Nhật Bản).
Mới chỉ khai trương cách đây 4 tháng nhưng những chiếc bánh mì thơm ngon mang đậm hương vị Việt được Tâm và anh trai Bùi Thanh Duy (sinh năm 1986) mang đến, đã thuyết phục hoàn toàn khẩu vị của những người Nhật và du khách sống ở khu Takadanobaba.
"Đúng 20/12 tôi chuyển nhà đến đây là được mời vào ăn bánh mì. Chỉ một lần ăn sáng đó, tôi đã thấy món ăn này thật sự rất ngon và từ đó thì ăn suốt", Esiue, một người dân bản địa ấn tượng với món bánh mì "Xin chào".
Mượn tiền đám cưới để khởi nghiệp
Tâm niềm nở tiếp chuyện chúng tôi dù đã thấm mệt sau một ngày làm việc hết công suất. 9X cho biết quán bánh mì của mình thường mở cửa từ 9h sáng đến 9h tối thì đóng cửa, nhưng vì phải dọn dẹp và chuẩn bị cho ngày mai nên anh thường ở lại đến 11-12h đêm. Nhiều lúc quán đông thì việc lên gấp đôi, Tâm và anh trai phải ở lại đến 2h30 sáng là chuyện bình thường.
Ý tưởng bán bánh mì trên đất Nhật xuất phát từ một lần cả hai anh em xếp hàng trước một quán bánh mì kebab để chờ mua một ổ bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ. Nếm món bánh ngon đến từ xứ lạ khiến Tâm nhớ đến hương vị bánh mì thân thuộc ở quê nhà.
"Sau lần đó, mình nghiêm túc nghĩ về chuyện sẽ mở một cửa hiệu bán bánh mì ở Nhật. Ý tưởng này được anh trai và những người trong gia đình ở Việt Nam ủng hộ. Thời điểm cách đây 9 tháng, cả hai anh em mình không có nhiều tiền. Anh trai lại vừa lấy vợ. Mình đánh liều mượn anh trai số tiền cưới gộp với tiền tiết kiệm, tổng cộng được 200 triệu đồng làm vốn. Phần còn lại, mình mượn những người thân trong nhà... Hiện tại, cả hai anh em đang dồn hết sức lực cho quán", Tâm chia sẻ.
Từ ngày cửa hàng đi vào hoạt động đến nay, 9X và anh trai chưa có lúc nào ngơi nghỉ đúng nghĩa. Từ sáng đến tối, Tâm và anh trai quay cuồng với việc chuẩn bị nguyên liệu, bán bánh mì, chăm sóc khách hàng... nhưng được làm công việc yêu thích, 9X thấy vui nhiều hơn là mệt.
Tâm hầu như không có thời gian nghỉ ngơi thật sự nhưng anh hạnh phúc vì làm công việc mình yêu thích
"Sự trỗi dậy của bánh mì trên thế giới đã khiến mình để ý và lên ý tưởng khi thị trường Nhật Bản còn bỏ ngỏ. Mình không thể đứng yên trước một cơ hội kinh doanh tốt như vậy. Muốn khởi nghiệp, ngoài vấn đề vốn và một số khó khăn bước đầu điều mình chuẩn bị sẵn sàng nhất là học cách chấp nhận những thiệt thòi. Mình chấp nhận hy sinh sở thích cá nhân, thậm chí là thời gian đi chơi với người yêu để vùi đầu vào làm việc. Cũng may mọi chuyện vẫn tốt, mọi người hiểu cho nhau, cùng biết hy sinh để hướng đến tương lai tốt đẹp", Tâm nói về những khó khăn khi khởi nghiệp.
Là du học sinh thời gian gắn với giảng đường hay sách vở còn nhiều hơn cả thời gian ngủ, vậy hai anh em Tâm có lúc nào để học cách làm những chiếc bánh mì ngon?
Những ổ bánh mì nhìn là mê của hai chàng trai Việt
Chàng trai xứ Quảng trả lời: "Du học ở Nhật chính là thử thách của tất cả du học sinh trong việc bắt đầu một cuộc sống tự lập. Mình và anh trai cũng vậy! Chúng mình phải làm việc bán thời gian tại một số quán ăn, quán nhậu cộng với việc tự lập trong sinh hoạt ăn uống (thêm một tí năng khiếu) đã giúp cho mình nâng cao khả năng nấu nướng mặc dù lúc ở Việt Nam đến chiên trứng còn không hề biết đến. Sau khi tìm tòi, học hỏi từ trên mạng, gia đình ở Việt Nam thì đã tự chắt chiu, sàng lọc được công thức riêng cho bánh mì của mình".
Cử nhân đại học đi bán bánh mì cũng... "ngầu" đấy chứ!
Tâm và anh Duy đều tốt nghiệp ngành Kinh tế trường Đại học Yokkaichi. Xếp lại tấm bằng cử nhân, cả hai chàng trai dắt nhau ra phố mở tiệm bán bánh mì. Có một số người không đồng tình và thẳng thắn chia sẻ nguy cơ rủi ro của dự án mà hai anh em Tâm quyết chí thực hiện. May mắn, gia đình vẫn là chỗ dựa vững chắc cho hai chàng trai trên con đường khởi nghiệp.
Tâm thẳng thắn đáp trả những cái nhìn tiêu cực về chuyện dân du học làm kinh doanh: "Tất cả công việc đều là một nghề cao quý. Bên Nhật người ta rất tôn trọng lao công, thợ hồ, người làm nông... nên việc bán bánh mì cũng cao cả đấy chứ! Làm ra thức ăn ngon, lại quảng cáo được hình ảnh - văn hoá đất nước Việt Nam, kiếm được thu nhập cho bản thân thì có gì phải ngại".
Du học sinh Việt ủng hộ hết mình ý tưởng kinh doanh của hai anh em Duy - Tâm
Cậu chủ 9X cho biết dù mới đi vào hoạt động nhưng cửa hàng "Xin chào" đã bắt đầu lãi. Trên tuyến phố Waseda Dori, nơi đặt hàng kinh doanh của Tâm và anh Duy, có rất nhều thương hiệu đồ ăn nhanh nổi tiếng đang là đối thủ cạnh tranh đối với quán bánh mì Việt Nam. Nhưng điều này chẳng khiến hai anh em người Việt cảm thấy lo lắng. Với họ, bánh mì là một món ăn ngon không có đối thủ.
"Bề ngoài ổ bánh mì vàng ươm, không hề quý phái, cầu kỳ nhưng khi cắn vào phát đầu tiên là cảm nhận được sự giòn rụm của lớp vỏ, nhưng bên trong lại là lớp bánh mềm với vị ngon được hoà quyện từ chút bơ, chút pate, chút dưa chua, thịt nguội, chả, một ít nước sốt...tạo thành hương vị đặc trưng mà không loại bánh sandwich nào có được", Tâm miêu tả nghe đã thấy thèm.
Truyền thông Nhật Bản đánh giá cao tinh thần khởi nghiệp của thanh niên Việt
Dù là chàng du học sinh chân ướt, chân ráo sang Nhật hay khi đã trở thành cậu chủ của một quán bánh mì đang ăn nên làm ra ở xứ người, Tâm đều tự nhủ rằng: "Mình còn trẻ, mình có năng lượng, có nhiệt huyết. Sự thành tâm và lý tưởng sẽ thổi bùng ngọn lửa nhiệt huyết. Nhưng dù đam mê và khát khao chinh phục có lớn đến đâu đi nữa cũng phải tuyệt đối giữ cho mình cái đầu lạnh, luôn tỉnh táo. Đừng để nhiệt huyết trở thành xốc nổi, bốc đồng".
Theo Lê Ái/ Kenh14.vn/ Tri thức trẻ