Với quốc gia có dân số già hóa như Nhật Bản, tình trạng thiếu hụt lao động đang trở thành vấn đề nan giải. Nâng tuổi thọ nghỉ hưu đang là giải pháp được nhiều người đưa ra để hy vọng có thể cứu gỡ vấn đề này.
Ông Hiroshi vẫn làm việc dù tuổi đã ngoài 70.
Ông Hiroshi Suzuki từng có một sự nghiệp đầy mơ ước tại Nhật Bản. Là một kỹ sư, ông có cơ hội được đi công tác và du lịch rất nhiều. Ở tuổi 65, ông Hiroshi quyết định nghỉ hưu. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau đó, ông lại có một công việc khác và dù giờ đây đã bước sang tuổi 72, ông cho biết rằng có lẽ còn lâu ông mới nghỉ hưu thật sự.
Các chuyên gia cho rằng, đây sẽ là một giải pháp nếu Nhật Bản muốn giảm tình trạng thiếu hụt lao động như bây giờ. Nhật Bản cần nhiều người như ông Hiroshi, những lao động có tay nghề hơn 70 tuổi.
"Những người ở tuổi 70 vẫn có thể làm việc. Có nhiều công việc họ có thể làm, miễn là đủ sức khỏe", ông Suzuki cho biết. Hiện tại ông đang làm tại một viện dưỡng lão, điều hành bởi Care 21 Co., một trong những công ty đã xóa bỏ tuổi nghỉ hưu cơ bản.
Cứ 4 người Nhật Bản lại có một người trên 65 tuổi
Ông Suzuki chỉ là một trong 33 triệu người Nhật Bản với độ tuổi trên 65. Theo ước tính, cứ 4 người Nhật Bản lại có 1 người thuộc nhóm tuổi này. Nhật Bản là quốc gia có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới và đến năm 2050, phụ nữ tại Nhật Bản sẽ có tuổi thọ trung bình là 90. Đây không hẳn là một tín hiệu vui khi tỉ lệ sinh nở tại quốc gia này tiếp tục giảm mạnh.
Theo số liệu, Nhật Bản là quốc gia có số lượng người già làm việc cao nhất thế giới với khoảng 7,3 triệu người vào năm 2015. Dù với nhiều người, đây đáng nhẽ là thời điểm để họ nghỉ ngơi sau nhiều năm tháng làm việc vất vả.
Nhật Bản có tỉ lệ người già làm việc cao nhất thế giới.
Một tin không vui nữa cho Nhật Bản là theo dự đoán, số lượng lao động người Nhật sẽ giảm xuống 56 triệu người vào năm 2030, so với con số 64 triệu vào năm 2014. Nếu muốn đảm bảo việc làm cho lao động trong nước, Nhật Bản cần khuyến khích người già tham gia vào lực lượng lao động nhiều hơn.
Dù khỏe mạnh, nhiều người cao tuổi vẫn không muốn làm việc
Hiện tại, dù không có những quy định chính xác về tuổi nghỉ hưu tại Nhật Bản, đa phần mọi người thường kết thúc công việc khi bước sang tuổi 60. Dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho các nhân sự lớn tuổi nhưng với nhiều người, nấc thang sự nghiệp của họ đã chấm dứt vào giai đoạn này.
"Những người dân Nhật Bản có cuộc sống khỏe mạnh và tuổi thọ cao", Florian Kohlbacher, giáo sư tại đại học Temple Tokyo chia sẻ. "Tuổi 60 vẫn còn trẻ để làm việc. Nếu bạn muốn giải quyết vấn đề tại sao nhiều người già không muốn làm việc, Nhật Bản cần xem lại hệ thống nhân sự của các công ty".
Trên thực tế, việc khuyến khích người lao động tiếp tục làm việc khi đã qua tuổi 60 không phải vấn đề đơn giản. Con số người cao tuổi rời khỏi lực lượng lao động còn cao hơn số người tiếp tục duy trì công việc vào tuổi xế chiều.
Lợi ích cho cả người lao động và nền kinh tế Nhật Bản
Việc sử dụng người lao động cao tuổi sẽ là một giải pháp cho nhiều vấn đề tại Nhật Bản. Theo Ryuichi Okumura từ viện nghiên cứu Mitsubishi, Tokyo "Nhật Bản có thể là tiền đề cho các nước khác để giải quyết bài toán người lao động cao tuổi và khiến họ trở nên năng động, có ích hơn trong xã hội".
Không chỉ giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động, việc người cao tuổi tiếp tục đi làm sẽ giúp giảm áp lực lên hệ thống phúc lợi xã hội của nước này khi trách nhiệm không chỉ thuộc về xã hội mà chia đều cho các công ty tuyển dụng.
Nhật Bản sẽ được hưởng lợi từ việc có nhiều người cao tuổi hơn tham gia vào lực lượng lao động.
Về phía người lao động, việc có một công việc ở tuổi trên 60 không chỉ giúp họ trở nên năng động, sống có ích mà còn giúp người già kiếm thêm thu nhập. Khi Nhật Bản đang có ý định tăng tuổi nhận trợ cấp từ 60 lên 65 tuổi, nhiều người cao tuổi sống một mình sẽ gặp khó khăn.
Sonoe Kudo, 65 tuổi hiện đang làm việc tại một viện dưỡng lão tại Tokyo nói rằng bà sẽ tiếp tục làm việc cho tới khi 70 tuổi, hoặc hơn nữa nếu còn khỏe mạnh. Với chi phí cuộc sống ngày càng đắt đỏ, bà không thể sống nhờ vào khoản trợ cấp ít ỏi.
Bà Sonoe Kudo vẫn làm việc dù đã 65 tuổi.
Tuy nhiên, để kế hoạch này có thể chính thức đi vào hiện thực sẽ cần một thời gian dài cho các công ty và cả chính phủ Nhật Bản. Theo điều tra của bộ lao động Nhật, chỉ có 3% các công ty đồng ý xóa bỏ chế độ nghỉ hưu như hiện tại, 16% các công ty đồng ý nâng tuổi nghỉ hưu và 80% các công ty vẫn muốn duy trì hệ thống như bây giờ.
Theo Skye/ Trí thức trẻ