Công ty Shin-Etsu sẽ tăng đầu tư vào trang thiết bị máy móc ở Việt Nam để đẩy mạnh sản xuất nam châm đất hiếm, hiện có nhu cầu tăng mạnh.

Nam châm đất hiếm neodymi. Ảnh: youtube
Công ty Hóa chất Shin-Etsu dự kiến tăng gấp đôi sản lượng nam châm đất hiếm ở Việt Nam trong bối cảnh nhu cầu nam châm tăng mạnh đối với các bộ phận được dùng cho robot, và động cơ của xe hybrid và xe điện, tờ Nikkei đưa tin.
Để đạt mục tiêu này, Shin-Etsu sẽ đầu tư thêm gần 45 triệu USD cho trang thiết bị mới cho nhà máy của mình ở thành phố Hải Phòng, nơi công ty này đang sản xuất nam châm có chứa các thành phần đất hiếm như neodymi (kí hiệu hóa học Nd) và dysprosi (kí hiệu hóa học Dy).
Theo đó, công suất của nhà máy sẽ đạt 2.200 tấn/năm kể từ năm 2018.
Trang thiết bị mới sẽ đảm nhiệm toàn bộ quá trình sản xuất, bao gồm nung chảy hợp kim (hiện được xử lý ở Trung Quốc), cán, ép và nung kết. Việc sản xuất nam châm ngay tại Việt Nam sẽ giúp công ty giảm chi phí.
Theo Nikkei, nam châm đất hiếm ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong công nghiệp, trong đó có robot và máy điều hòa nhiệt độ. Thị trường nam châm trị giá 400 tỷ yen (3,6 tỷ USD) được dự báo tăng 10% mỗi năm, trong đó ứng dụng trong ngành công nghiệp ô tô sẽ tăng 20%/năm.
Việt Nam được coi là nước có tiềm năng đất hiếm hàng đầu thế giới, với tổng trữ lượng dự báo khoảng 22 triệu tấn. Đất hiếm ở Việt Nam tập trung ở Nậm Xe, Đông Pao (Lai Châu), Mường Hum (Lào Cai), Yên Phú (Yên Bái) và các tỉnh ven biển từ Thanh Hóa vào đến Bà Rịa-Vũng Tàu (trong quặng sa khoáng titan).
Do có công nghệ lạc hậu và công suất khai thác thấp, từ năm 2010, Việt Nam và Nhật Bản đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển công nghiệp đất hiếm. Theo đó, Tổng Công ty Tổng Công ty Dầu lửa, Khí đốt và Năng lượng Nhật Bản (JOGMEC) và Viện Công nghệ xạ hiếm, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã triển khai dự án Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ đất hiếm.
Theo Minh Tuấn/ Bizlive