Dạy cho con biết về giới tính, sinh sản và cách tự bảo vệ mình ngay từ tấm bé là một trong những quan điểm tôi vô cùng khâm phục tại Nhật Bản.
Những hình ảnh trực quan sinh động trong những cuốn sách dạy giới tính cho trẻ ở Nhật.
Chúng ta có thể hơi “sốc” khi nghe những cuộc đối thoại như thế này ở Nhật:
“Sự khác biệt giữa nam và nữ là gì?” Thầy giáo hỏi.
“Quần không giống nhau”, “Áo không giống nhau”, “Chỗ đi tiểu không giống nhau”, “Nam có dương vật nhỏ còn nữ thì không”…các học sinh thi nhau trả lời.
“Không phải, nữ cũng có các cơ quan tương tự nam giới. Vậy nhưng cơ quan sinh dục của nữ nằm ở bên trong, bên ngoài không nhìn thấy”, cô giáo sửa câu trả lời sai của các bé và dạy trẻ hiểu thế nào là cơ quan sinh dục bên trong.
“Nữ còn có thể tiết sữa ạ”, một cô bé bổ sung
“Nhưng tại sao nam lại không có sữa ạ?”, bé khác thắc mắc
“Bởi vì nữ cần sữa để nuôi con. Tất cả chúng ta lớn lên đều ăn sữa mẹ đúng không nào?”, và từ đó, cô giáo cũng tận dụng cơ hội để giới thiệu về vai trò giới và sự khác biệt trong gia đình.
Những cuộc thảo luận như vậy không hề hiếm tại các trường mẫu giáo lớn ở Nhật. Người Nhật cho rằng giai đoạn đi mẫu giáo là cơ hội tốt để dạy trẻ về giới tính, để các bé nhận thức được về vai trò giới, hiểu được sự khác biệt giữa một cậu bé và một cô bé là ở điểm nào để thiết lập ý thức tự bảo vệ.
Bộ Giáo dục Nhật Bản xuất bản tập đầu tiên của cuốn sách giáo khoa nói về cơ thể nam giới, nữ giới, các bộ phận sinh sản và kiến thức sinh sản từ bậc tiểu học. Mỗi năm trẻ sẽ có từ 1-2 giờ tham dự bài giảng đặc biệt này. Trẻ tiểu học sẽ học về kinh nguyệt, nguyên tắc khi mang thai, đọc những cuốn sách tranh mô tả sơ lược quá trình "tạo ra em bé" của bố mẹ. Trẻ trung học sẽ học về các biện pháp tránh thai, bệnh lây truyền qua đường tình dục và các khía cạnh đạo đức. Việc phổ cập giáo dục giới tính ở Nhật Bản dường như khiến các ông bố bà mẹ thoải mái hơn nhiều khi không phải lo đối mặt với những thắc mắc, băn khoăn của trẻ ở độ tuổi mới lớn nhiều tò mò.
Dạy cho con biết về giới tính, sinh sản và cách tự bảo vệ mình ngay từ tấm bé là một trong những quan điểm tôi vô cùng khâm phục tại Nhật Bản. Thay vì để “hươu" tự chạy lung tung, tại sao chúng ta không “vẽ đường cho hươu chạy”, nhưng chạy theo một lộ trình đúng đắn?
Nguồn: yeutretho