Nhật Bản không chỉ được biết đến là cường quốc về kinh tế, khoa học và công nghệ mà quốc gia này còn nổi tiếng thế giới với nền giáo dục chất lượng và hiện đại vì vậy du học Nhật Bản luôn là sự lựa chọn được nhiều sinh viên ưa chuộng. Vậy hệ thống giáo dục ở Nhật Bản như thế nào? Có điểm gì khác biệt so với giáo dục ở Việt Nam?
Từ cuối thế kỉ 19, cải cách giáo dục cùng với tăng cường lực lượng quân sự và phát triển kinh tế kĩ thuật là 3 lĩnh vực được Nhật Bản đặc biệt coi trọng, đặc biệt trong giáo dục với tư tưởng “Tinh thần Nhật Bản- Công nghệ phương Tây” hệ thống giáo dục ở Nhật Bản đã có những biến đổi sâu sắc và vươn mình trở thành “quốc gia của trí tuệ”.
Hệ thống giáo dục ở Nhật Bản
Hệ thống giáo dục ở Nhật Bản gồm 7 cấp: Mẫu giáo (3-6 tuổi), tiểu học (6-12 tuổi), trung học (gồm đệ nhất cấp 12-15 tuổi và đệ nhị cấp 15-18 tuổi), sau trung học (trường chuyên môn), đại học, cao học, tiến sỹ.
Chế độ giáo dục bắt buộc ở Nhật Bản là từ tiểu học đến trung học đệ nhất cấp tức là trẻ em từ 6 đến 15 tuổi bắt buộc đều phải đến trường học. Học sinh học ở các cấp này sẽ được miễn phí tiên học và tiền sách giáo khoa. Ở Nhật, hầu hết các trường tiểu học đều là những trường công chỉ có khoảng 0,7% là trường tư; ở khối trung học cơ sở trường công chiếm khoảng 97% và 27% trường trung học phổ thông là trường tư.
Giáo dục từ đệ nhị cấp (trung học phổ thông) trở lên là không bắt buộc. Còn bậc đại học, quy định chung là 4 năm, nhưng với những ngành học như y khoa, thú y… thì hệ đại học có thể kéo dài đến 6 năm, hệ Cao đẳng thì từ 2 đến 3 năm.
Sau khi hết trung học cơ sở, nếu học sinh không vào học ở các trường trung học phổ thông thì vẫn có thể chọn lựa trường trung học chuyên tu, chuyên nghiệp để học được các kỹ thuật chuyên môn.
Tỷ lệ tốt nghiệp trung học đệ nhị cấp ở Nhật là 90% và sau đó 53,4% này sẽ tiếp tục học ở các trường chuyên môn, cao đẳng hay đại học. Giáo dục ở Nhật có tính cạnh tranh rất cao, đặc biệt ở các kỳ thi tuyển sinh đại học, điển hình là các kỳ thi tuyển của hai trường đại học danh tiếng như Tokyo và Kyoto.
(Nguồn tổng hợp)