Nếu như bạn đã từng sang Nhật Bản du học, xuất khẩu lao động hay có một thời gian sinh sống và làm việc ở đây, hẳn bạn sẽ không ngạc nhiên khi thấy những đứa trẻ Nhật Bản đi lại một mình, tự bắt tàu xe đi học, đi chơi mà không có người lớn hỗ trợ. Tại sao người Nhật lại tin tưởng để con tự lập sớm như vậy?
Hẳn các bạn còn nhớ, cách đây độ chục năm, trên TV có chiếu một chương trình truyền hình Nhật Bản có tên "Con đã lớn khôn" nói về sự tự lập của các em bé xứ hoa anh đào. Những bé chỉ mới 4-5 tuổi được bố mẹ giao nhiệm vụ nhỏ và phải tự mình thực hiện mà không có sự trợ giúp của người thân. Thế mà các em vẫn có thể tự mình bắt xe buýt, đi bộ qua nhiều con phố hoàn thành nhiệm vụ được giao mới tài. Nhưng như vậy có phải bố mẹ các em quá liều lĩnh khi để con mình tự thân phiêu lưu mà không sợ con gặp nguy hiểm? Hay đằng sau đó là cả một nền giáo dục trẻ em từ khi còn rất nhỏ của xứ sở Phù Tang?
Thực tế, việc trẻ em tự mình giải quyết những công việc riêng là một điều không hề hiếm gặp ở Nhật Bản. Tới đây, bạn có thể dễ dàng nhìn thấy những đứa bé loắt choắt loay hoay tự tìm chỗ trên tàu điện, tự bắt xe buýt hay đi bộ một mình tới trường. Cũng có thể bắt gặp các em trong những siêu thị, cửa hàng thực phẩm tự trả tiền mua đồ về cho bố mẹ, tự mua đồ ăn rồi ngồi ăn một mình, rất ít khi thấy cả gia đình nhỏ, người hò kẻ hét, người lại làm trò cốt chỉ để đứa bé ngoan ngoãn ăn xong một bát bột như ở Việt Nam. Trẻ em Nhật tự lập từ rất sớm, không phải là do bố mẹ chúng không quan tâm, bỏ bê con cái, mà là chúng tự ý thức mình đã đủ tuổi để tự làm mọi thứ trong khả năng mà không cần trợ giúp từ phụ huynh.
Kaito cũng là một bạn trẻ tự lập, năm nay đã 12 tuổi rồi nhưng cậu bé đã có "thâm niên" 3 năm tự đi học, đi chơi một mình bằng tàu điện, xe buýt. Cậu bé nói rằng, ngày đầu tiên khi phải tự mình đi tàu điện thì cũng có đôi chút bỡ ngỡ, nhưng cũng chỉ đôi chút mà thôi. Từ những lần sau Kaito đã có thể ưỡn ngực tự tin đi một mình như một người lớn thực thụ. Mới đầu khi để con trai tự thân vận động như vậy, ba mẹ Kaito cũng khá lo lắng, tuy nhiên họ cho rằng con trai 9 tuổi là đã đủ lớn khôn và nhiều đứa trẻ bạn bè của con cũng tự mình đi lại mà chẳng có vấn đề gì. Một phần là tàu điện tại Nhật rất an toàn và đúng giờ, cũng dễ dàng để xác định chuyến đi nên chẳng có nhiều điều để phải suy nghĩ.
"Tôi tự mình đi tàu từ khi còn là cô bé ít tuổi hơn cả Kaito. Khi ấy chúng tôi chưa có điện thoại di động nhưng vẫn có thể đi lại dễ dàng. Bây giờ Kaito có điện thoại mà, nếu bị lạc cháu có thể gọi chúng tôi", mẹ kế của cậu bé 12 tuổi trả lời.
Một trong những nguyên nhân khiến cha mẹ người Nhật tự tin để con cái tự lập từ những việc đơn giản nhất như thế là văn hóa hỗ trợ lẫn nhau của người dân nước này. Ngay từ tiểu học, học sinh Nhật đã được rèn thói quen làm việc nhóm, hỗ trợ và phục vụ lẫn nhau. Tiêu biểu như bữa trưa tại trường học của trẻ em là một lớp học về tính đoàn kết tương trợ. Mỗi ngày ở lớp sẽ chọn ra một nhóm học sinh để phục vụ bữa trưa từ đầu đến cuối cho các bạn, bao gồm cả công việc dọn dẹp sau khi kết thúc bữa ăn. Chúng được giáo dục rằng được chọn để tổ chức bữa trưa cho các bạn là một niềm vinh dự đáng tự hào, bởi đó là cơ hội cho chúng chứng tỏ mình là người có trách nhiệm và có thể tin cậy. Từ đó, trẻ em biết cách nhờ cậy lẫn nhau mà không hề e dè sợ sệt, cũng như người được nhờ lại cảm thấy mình người lớn hơn hẳn.
Mặt khác, nước Nhật có tỉ lệ tội phạm vào loại thấp nhất thế giới, đây cũng chính là điểm mấu chốt khiến phụ huynh cảm thấy yên tâm hơn khi cho con đi ra ngoài một mình. Giao thông ở đây cũng thuận tiện và an toàn do hơn một nửa số cuộc hành trình của người Nhật là sử dụng phương tiện công cộng như tàu điện, xe buýt, 1/4 là hành trình đi bộ. Số phương tiện giao thông cá nhân ở đây khá ít, cộng thêm với ý thức trách nhiệm của người dân nên chuyện tai nạn là rất hiếm gặp. Cha mẹ các bé gái cũng an tâm hơn bởi chính phủ Nhật đã và đang thí điểm các tuyến tàu điện chỉ dành riêng cho nữ giới nhằm chống lại nạn yêu râu xanh quấy rối ở nơi công cộng.
Bằng cách cho con cái sự tự do, tự lập, cha mẹ người Nhật không chỉ đặt niềm tin vào con trẻ mà còn là cả một cộng đồng, xã hội Nhật Bản. Không ít các nước có trẻ em tự lập khi còn bé, nhưng những gì mà phương Tây dạy trẻ em, đó là sự tự túc, tự mình giải quyết không phải nhờ cậy bất cứ ai. Ngược lại ở Nhật, người ta dạy con nên tin vào xã hội, tin vào đồng loại và biết cách che chở yêu thương nhau.
Thực tế, việc trẻ em tự mình giải quyết những công việc riêng là một điều không hề hiếm gặp ở Nhật Bản. Tới đây, bạn có thể dễ dàng nhìn thấy những đứa bé loắt choắt loay hoay tự tìm chỗ trên tàu điện, tự bắt xe buýt hay đi bộ một mình tới trường. Cũng có thể bắt gặp các em trong những siêu thị, cửa hàng thực phẩm tự trả tiền mua đồ về cho bố mẹ, tự mua đồ ăn rồi ngồi ăn một mình, rất ít khi thấy cả gia đình nhỏ, người hò kẻ hét, người lại làm trò cốt chỉ để đứa bé ngoan ngoãn ăn xong một bát bột như ở Việt Nam. Trẻ em Nhật tự lập từ rất sớm, không phải là do bố mẹ chúng không quan tâm, bỏ bê con cái, mà là chúng tự ý thức mình đã đủ tuổi để tự làm mọi thứ trong khả năng mà không cần trợ giúp từ phụ huynh.
Kaito cũng là một bạn trẻ tự lập, năm nay đã 12 tuổi rồi nhưng cậu bé đã có "thâm niên" 3 năm tự đi học, đi chơi một mình bằng tàu điện, xe buýt. Cậu bé nói rằng, ngày đầu tiên khi phải tự mình đi tàu điện thì cũng có đôi chút bỡ ngỡ, nhưng cũng chỉ đôi chút mà thôi. Từ những lần sau Kaito đã có thể ưỡn ngực tự tin đi một mình như một người lớn thực thụ. Mới đầu khi để con trai tự thân vận động như vậy, ba mẹ Kaito cũng khá lo lắng, tuy nhiên họ cho rằng con trai 9 tuổi là đã đủ lớn khôn và nhiều đứa trẻ bạn bè của con cũng tự mình đi lại mà chẳng có vấn đề gì. Một phần là tàu điện tại Nhật rất an toàn và đúng giờ, cũng dễ dàng để xác định chuyến đi nên chẳng có nhiều điều để phải suy nghĩ.
"Tôi tự mình đi tàu từ khi còn là cô bé ít tuổi hơn cả Kaito. Khi ấy chúng tôi chưa có điện thoại di động nhưng vẫn có thể đi lại dễ dàng. Bây giờ Kaito có điện thoại mà, nếu bị lạc cháu có thể gọi chúng tôi", mẹ kế của cậu bé 12 tuổi trả lời.
Một trong những nguyên nhân khiến cha mẹ người Nhật tự tin để con cái tự lập từ những việc đơn giản nhất như thế là văn hóa hỗ trợ lẫn nhau của người dân nước này. Ngay từ tiểu học, học sinh Nhật đã được rèn thói quen làm việc nhóm, hỗ trợ và phục vụ lẫn nhau. Tiêu biểu như bữa trưa tại trường học của trẻ em là một lớp học về tính đoàn kết tương trợ. Mỗi ngày ở lớp sẽ chọn ra một nhóm học sinh để phục vụ bữa trưa từ đầu đến cuối cho các bạn, bao gồm cả công việc dọn dẹp sau khi kết thúc bữa ăn. Chúng được giáo dục rằng được chọn để tổ chức bữa trưa cho các bạn là một niềm vinh dự đáng tự hào, bởi đó là cơ hội cho chúng chứng tỏ mình là người có trách nhiệm và có thể tin cậy. Từ đó, trẻ em biết cách nhờ cậy lẫn nhau mà không hề e dè sợ sệt, cũng như người được nhờ lại cảm thấy mình người lớn hơn hẳn.
Mặt khác, nước Nhật có tỉ lệ tội phạm vào loại thấp nhất thế giới, đây cũng chính là điểm mấu chốt khiến phụ huynh cảm thấy yên tâm hơn khi cho con đi ra ngoài một mình. Giao thông ở đây cũng thuận tiện và an toàn do hơn một nửa số cuộc hành trình của người Nhật là sử dụng phương tiện công cộng như tàu điện, xe buýt, 1/4 là hành trình đi bộ. Số phương tiện giao thông cá nhân ở đây khá ít, cộng thêm với ý thức trách nhiệm của người dân nên chuyện tai nạn là rất hiếm gặp. Cha mẹ các bé gái cũng an tâm hơn bởi chính phủ Nhật đã và đang thí điểm các tuyến tàu điện chỉ dành riêng cho nữ giới nhằm chống lại nạn yêu râu xanh quấy rối ở nơi công cộng.
Bằng cách cho con cái sự tự do, tự lập, cha mẹ người Nhật không chỉ đặt niềm tin vào con trẻ mà còn là cả một cộng đồng, xã hội Nhật Bản. Không ít các nước có trẻ em tự lập khi còn bé, nhưng những gì mà phương Tây dạy trẻ em, đó là sự tự túc, tự mình giải quyết không phải nhờ cậy bất cứ ai. Ngược lại ở Nhật, người ta dạy con nên tin vào xã hội, tin vào đồng loại và biết cách che chở yêu thương nhau.
Theo Lương Hồng Phúc/ Trí Thức Trẻ