Người Nhật không đẹp về ngoại hình nhưng họ biết chăm chút bản thân và khéo che đậy khuyết điểm của mình:
Rất hiếm gặp những khuôn mặt trẻ em xinh như thiên thần. Cũng không dễ bắt gặp những thiếu nữ sắc nước nghiêng trời. Có thể nói người Nhật không có ngoại hình bắt mắt.
Tuy nhiên, người Nhật lại mê hoặc lòng người vì một vẻ đẹp khác – sự thanh lịch mà họ rất có ý thức tạo ra. Cách họ vận kimono, cách họ ăn mặc, đi đứng, chào hỏi, đối đãi với nhau, tất cả đều tuân theo những nghi thức nhất định.
Người Nhật có ý thức cộng đồng đạt đến đẳng cấp văn minh
Người Nhật có ý thức cộng đồng đạt đến đẳng cấp văn minh khiến cả thế giời phải ngưỡng mộ:
Cái văn minh trong xã hội Nhật hiện diện khắp mọi nơi. Từ giới trí thức viên chức văn phòng, đến những tầng lớp khác như người cảnh sát, tài xế taxi, người bán hàng, người phục vụ, công nhân làm đường… tất thảy đều toát lên một thái độ hòa nhã trọng thị. Không thể có được sự bực dọc hoặc không hài lòng khi đến bất cứ đâu trên đất nước Nhật.
Họ rất cẩn trọng và chừng mực trong ăn nói, đối đãi với người khác. Luôn luôn lịch sự có thể nói là nguyên tắc số một trong giao tiếp mang tính xã hội ở Nhật. Thói quen xếp hàng nơi công cộng; thói quen nhường nhịn lẫn nhau; thói quen tôn trọng tập thể; thói quen đúng giờ, giữ uy tín và nền nếp… tất cả là nền tảng cần thiết để tạo nên một xã hội văn minh và an toàn.
Người Nhật thì không quên cái gì cả, uy tín là mối quan tâm hàng đầu với họ:
Ở Việt Nam, người ta có thể giận nhau, cãi nhau, thậm chí đánh nhau nhưng ngày hôm sau lại đâu vào đấy, trong khi ở Nhật, một lần thất thố trong quan hệ thì xem như mối quan hệ đó vĩnh viễn bị chôn vùi, người trong cuộc sẽ không muốn nhìn mặt nhau lần thứ hai nữa. Do đó, uy tín phải là mối quan tâm hàng đầu khi thiết lập mối quan hệ với người Nhật.
Mỗi góc nhìn trên đây chỉ mang tính phiến diện từ chủ quan người viết. Tuy nhiên, có một nhận định không thể chối cãi về biệt tài của người Nhật xin được nêu ra đó là khả năng biến những cái hầu như không thể thành có thể, và còn hơn thế đạt đến tầm nghệ thuật và trở thành biểu tượng.
Người Nhật kín đáo và khó cảm bởi thói quen của chính họ:
Đẹp khoe xấu che, điều này thể hiện rõ nhất khi nhìn vào con người Nhật Bản. Những gì đẹp đẽ nhất, rạng rỡ nhất đều hiển hiện đầy đủ trong xã hội này. Phần còn lại, họ kín đáo cất giữ cho riêng mình. Họ không có thói quen kể lể hoặc mang những chuyện trong nhà ra bên ngoài hoặc tâm sự với người khác. Cho nên, rất khó khai thác và cảm được bản tính thật sự của những người bạn Nhật, ngay với cả bạn thân.
Nước Nhật đất hẹp người nhiều, nhưng ngoài đường không thấy có cảnh ồn ào đông đúc nhộn nhạo. Bình thường hàng xóm láng giềng ít đi lại thăm viếng nhau, rất hiếm gặp cảnh các ông bà già hoặc hàng xóm chiều chiều ra ngoài hóng mát tụ tập chuyện phiếm. Sự kín kẽ bao trùm trong nhiều hình thức quan hệ xã hội, từ quan hệ họ hàng đến quan hệ bạn bè, đồng nghiệp…
Người Nhật sống quy củ một cách bản năng
Cuộc sống ở Nhật căng thẳng và nặng nề. Sự căng thẳng và nặng nề này phần lớn là do tính cách Nhật tạo ra. Và dường như, cái địa thế biệt lập của quần đảo nơi sinh sống của dân tộc này, cùng hoàn cảnh lịch sử đã góp phần hình thành nên bản tính quy củ của họ.
Với phần đông người Nhật, cách sống tốt nhất là tuân thủ tuyệt đối theo những nguyên tắc mà xã hội đề ra. Không tùy tiện, không xáo trộn, không tự ý thay đổi hay phản kháng. Thế nhưng đằng sau sự quy củ đó là bao uẩn ức bị đè nén có thể hình dung ra. Đó là sự thật tất nhiên trong cái xã hội guồng quay công nghiệp này.
(Nguồn: Du học Nhật Bản)