Trong cuốn sổ tay về Giáo dục Mầm non Nhật Bản có một nội dung được nhấn mạnh là “nuôi dưỡng tình yêu của trẻ đối với sách”. Điều đó cho thấy Nhật Bản rất coi trọng giáo dục trẻ thông qua những quyển sách.
Các em nhỏ Nhật Bản chăm chú với sách ở mọi lúc mọi nơi
Văn hóa đọc sách tại Nhật Bản
Tổ chức nghiên cứu Research Bank từng công bố trung bình một nửa dân số Nhật Bản đọc ít nhất một quyển sách mỗi tháng. Thậm chí theo thống kê của thư viện một trường tiểu học tại thành phố Nago - tỉnh Okianawa (Nhật), số sách một học sinh tiểu học đọc lên đến 20 quyển mỗi tháng. Và cho dù ngành công nghệ giải trí di động đang dần thịnh hành thì lượng sách và tạp chí phát hành tại Nhật vẫn tăng đều đặn trong 10 năm gần đây. Vậy nhờ đâu thói quen đọc sách có thể “bén rễ” sâu đến thế trong văn hóa của người Nhật?
Theo chị Đinh Thị Thu Hằng, nghiên cứu sinh tiến sĩ về giáo dục tuổi Ấu thơ (Đại học Hiroshima, Nhật Bản) – chuyên gia tư vấn độc quyền của sữa GLICO Icreo Nội địa Nhật Bản chia sẻ: “Đọc sách rất phổ biến ở Nhật, bạn sẽ dễ dàng gặp các góc sách ở bất kỳ địa điểm công cộng nào, từ bệnh viện, siêu thị, trung tâm hành chính thành phố… Các góc sách này giúp hình thành và phát triển tình yêu, thói quen xem/nghe đọc của trẻ. Ngoài ra, vì hệ thống ngôn ngữ của Nhật khá phức tạp với hệ thống chữ hirakana, katakana và kanji. Vậy nên việc hình thành lòng yêu sách là điều cần thiết để phát triển năng lực tiếng Nhật của trẻ.”
Tình yêu sách sẽ giúp phát triển năng lực ngôn ngữ ở trẻ
Thói quen đọc sách hình thành ngay từ khi trẻ chưa biết chữ?
Vậy đối với những em bé Nhật chưa biết chữ, tự “đọc” sách như thế nào ngoài những lúc được người lớn đọc cho? Tại các góc sách ở Nhật sẽ có rất nhiều truyện ehon gồm tranh và chữ dành riêng cho trẻ dưới 6 tuổi. Trong đó, tranh chiếm phần lớn diện tích giấy và số lượng chữ tăng dần theo độ tuổi. Ở Nhật không hiếm cảnh một bé gái tầm 2 tuổi, trong lúc chờ mẹ giải quyết công việc, đã đi lũn chũn đến kệ sách, chọn cho mình một quyển ehon, ngồi lên ghế và đọc chăm chú từ trang này sang trang khác.
Trẻ Nhật xem sách trong sự trật tự và tập trung
“Góc đọc sách cũng là cách giúp trẻ học phép giữ lịch sự, trật tự và tập trung ở nơi công cộng. Sẽ không có cảnh các em bé la hét, chạy nhảy toán loạn hoặc gọi í ới đòi bố hoặc mẹ ở các địa điểm trên. Sự yên tĩnh khiến trẻ học cách lắng nghe, và tiếp thu sâu hơn. Cứ đọc hết quyển này, chúng lại đổi quyển khác, trong trật tự và tiếng ồn ở mức cho phép. Bài học đầu tiên về sự chấp hành những nội quy trong xã hội được hình thành một cách nhẹ nhàng như thế.” – Chị Đinh Thị Thu Hằng chia sẻ thêm.
Hình ảnh một cậu bé đọc sách trong lúc chờ bố mẹ mua quần áo
Chúng ta thấy được rằng văn hóa đọc sách của người Nhật bắt nguồn từ việc được tiếp xúc và làm quen sách từ rất sớm. Điều này không chỉ giúp nâng cao năng lực ngôn ngữ mà còn góp phần giáo dục nhân cách của trẻ.
Theo Saga / Trí Thức Trẻ