Là một trong hai loài động vật xương sống độc nhất hành tinh và có mức giá không hề rẻ, cá nóc vẫn được người Nhật yêu thích và chọn làm sushi - đặc sản truyền thống xứ anh đào.
Mỗi đĩa cá nóc là một kỳ công khoa học của nghệ thuật chế biến và trang trí. Ảnh:Foodpink.
Là một trong hai loài động vật xương sống độc nhất hành tinh và có mức giá không hề rẻ, cá nóc vẫn được người Nhật yêu thích và chọn làm sushi - đặc sản truyền thống xứ anh đào.
Luôn có tên trong danh sách những món ăn đắt đỏ nhất của Nhật Bản, một suất sashimi cá nóc có thể tiêu tốn của một gia đình khoảng 200 USD cho 8 miếng khi dùng bữa tại những nhà hàng 3 sao vàng Michelin.
Không những đắt đỏ, những thực khách gọi món sashimi cá nóc cũng phải đặt cược cả tính mạng của mình nếu muốn thưởng thực món ăn nói trên. Bởi chỉ một miligram chất độc của loài cá này có thể lấy đi mạng sống của một người đàn ông trưởng thành trong chưa đầy một giờ với cái chết đau đớn.
Vậy, vì sao cá nóc - một trong hai loài động vật có xương sống độc nhất hành tinh -vẫn hiện diện trong văn hóa của Nhật Bản, và đóng góp cho ngành công nghiệp ẩm thực của nước này hàng triệu USD mỗi năm?
Thực tế, cá nóc Nhật Bản không nổi tiếng bằng cá ngừ, hay thịt bò Kobe, nhưng mỗi năm, quốc đảo này vẫn xuất khẩu được một lượng lớn sang Mỹ. Mức giá cho mỗi suất 50 gram thịt loài cá có vị không khác nhiều so với thịt gà lên tới 200 USD, thậm chí sẽ đắt gấp vài lần nếu là cá nóc hoang dã.
Để có thể phục vụ được món cá nóc, những đầu bếp của Nhật Bản sẽ phải trải qua 2 năm đào tạo. Họ cũng cần khoảng 3 năm học việc, trước khi có thể tự tay xẻ thịt một con cá cho khách hàng. Kunio Miura - một bậc thầy về cá nóc - đã học xẻ thịt loài cá này từ năm 15 tuổi. Miura phải thực hành trên hàng trăm con cá, chấp nhận bỏ ra chi phí hàng trăm nghìn yên, vượt qua kỳ thi khó khăn với chỉ 60% cơ hội thành công, để trở thành người phục vụ cá nóc khi ông tròn 20 tuổi.
Đến nay, dù có tới 60 năm kinh nghiệm, ông vẫn cực kỳ thận trọng mỗi khi xử lý một con cá nóc bởi một sai lầm dù nhỏ nhất cũng có thể tước đoạt đi tính mạng của khách hàng. Đầu tiên, ông Miura sẽ cắt mở đầu cá, lọc sạch não và mắt, đặt cẩn thận lên một khay kim loại đánh dấu "không ăn được". Sau đó, công đoạn tiếp theo là bỏ da, cắt ruột và bỏ toàn bộ nội tạng cá, đặc biệt là gan và buồng trứng.
"Chất tetrodotoxin của cá nóc độc gấp 200 lần so với xyanua. Cái chết sẽ đến nhanh nhưng đau đớn, trước tiên là tê miệng, sau đó là mạch máu. Không có thuốc giải độc", ông Miura nói.
Toàn bộ những phần có độc của con cá nóc sẽ được cho vào khay kim loại và khóa kín. Sau đó, người ta sẽ mang chiếc khay này đến chợ cá và tiêu hủy chúng trong lò bằng củi vụn.
Những chiếc đèn lồng làm bằng da cá nóc thật treo bên ngoài một nhà hàng tại thành phố Shimonoseki. Ở đây thậm chí còn có cả một bức tượng cá nóc nằm ngay tại trung tâm thành phố. Ảnh:CNN.
Với những người yêu thích cá nóc, món ăn được chế biến từ loài này mang đậm tinh hoa ẩm thực Nhật Bản. Ngày nay, Shimonoseki được xưng tụng là “Kinh đô cá nóc của Nhật Bản”. Giới sành ăn hải sản ở Nhật kháo nhau rằng chợ ở Haedomari là nơi duy nhất ở xứ sở anh đào chuyên đặc chế những món ăn danh bất hư truyền từ cá nóc, một trong những sơn hào hải vị của Nhật Bản.
Toshiharu Hata hiện điều hành một trong những công ty bán sỉ cá nóc lớn nhất ở thành phố Shimonoseki. Cha của ông - người đã thành lập công ty cá nóc của gia đình cách đây 40 năm cho biết, theo truyền thống, cá nóc được dùng theo kiểu chế biến thành những miếng thịt mỏng tang. Sau đó, món ăn được trang trí công phu theo hình hoa cúc trắng, núi Phú Sỹ hoặc thành hình các loài động vật như chim công, rùa và bướm lên những cái đĩa gốm sứ có vẽ hoa văn tinh xảo.
"Mỗi đĩa cá nóc là một tác phẩm nghệ thuật, một kỳ công khoa học của nghệ thuật chế biến và trang trí", ông nói.
Theo Zing.vn