Phụ nữ Nhật muốn có em bé phải đối mặt với những trở ngại tại nơi làm việc của họ, bao gồm bị buộc phải chấp nhận mức lương thấp hơn hoặc phải từ bỏ công việc.
Phụ nữ Nhật đối mặt với nguy cơ mất việc khi mang thai (Ảnh minh họa)
Việc phụ nữ mang thai hay sinh con trở thành một cái cớ để doanh nghiệp buộc họ phải từ bỏ công việc được gọi là “matahara” hay còn gọi là “quấy rối thai sản”.
Gần đây, “matahara” được báo giới Nhật đề cập nhiều sau khi Tòa án tối cao Nhật vào cuối tháng 10/2014 đã vô hiệu hóa quyết định của tòa án Hiroshima khi buộc một chuyên gia trị liệu vật lý từ chức chỉ vì cô đã mang thai. Đây là trường hợp đầu tiên Tòa án tối cao can thiệp sau những nỗ lực của Thủ tướng Shinzo Abe thúc đẩy việc trao quyền cho phụ nữ Nhật Bản.
Nữ chuyên gia trị liệu bắt đầu làm việc trong một bệnh viện ở Hiroshima vào năm 1994 và được thăng chức làm trợ lý giám sát vào năm 2004. Cô đã có thai vào năm 2008 và đề nghị được giao công việc nhẹ nhàng hơn ở bộ phận khác. Thế nhưng cô cho biết cô đã không nhận được công việc giám sát viên trong bộ phận mới của mình và bị giáng chức. Người phụ nữ này kiện yêu cầu chủ của cô phải bồi thường thiệt hại 1,7 triệu yên. Tuy nhiên, tòa án Hiroshima lại tuyên bố, việc cô bị sa thải không liên quan đến việc mang thai.
Sau phán quyết của tòa án tối cao, chính phủ đã nhanh chóng thông báo về trường hợp này. “Việc chấm dứt công việc của một người hay đặt họ vào tình thế bất lợi vì họ đang mang thai hay sinh con là việc làm bất hợp pháp”, chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga phát biểu với báo giới. “Chính phủ muốn hợp tác với các Bộ liên quan để đảm bảo quan điểm này được thông suốt và người lao động luôn được hỗ trợ”, ông nói.
Theo Luật bình đẳng cơ hội việc làm của Nhật, một phụ nữ không thể bị sa thải trong vòng một năm khi mang thai hay sinh con. Theo luật này, nữ lao động sẽ được nghỉ 6 tuần thai sản trong khi mang thai và 8 tuần sau khi sinh con. Hầu hết các nhà tuyển dụng không phải trả tiền lương cho người lao động trong thời gian nghỉ thai sản nhưng hầu hết phụ nữ có thể yêu cầu bồi thường trợ cấp thai sản từ quỹ hỗ trợ xã hội bảo hiểm y tế.
Vấn đề là nhiều phụ nữ mang thai hoặc các bà mẹ trẻ được xem là mối phiền toái của các nhà tuyển dụng vì sợ họ thường xuyên vắng mặt với lý do sức khỏe hay bận chăm sóc trẻ sơ sinh, do đó nhiều phụ nữ phải chịu những áp lực buộc phải nghỉ việc.
Năm 2013, tổng cộng có 3.371 phụ nữ đến văn phòng lao động của chính phủ trên toàn quốc phàn nàn về tình trạng “matahara” tại nơi làm việc. Con số này đã dao động ở mức khoảng 3.000 trường hợp/năm trong vài năm qua, nhưng con số thực tế có thể cao hơn nữa.
Một cuộc khảo sát của Công đoàn Tổng Liên đoàn Nhật Bản phát hiện, khoảng một phần tư nữ lao động đã từng mang thai cho biết họ là nạn nhân của “matahara” tại công ty của họ. Cuộc khảo sát cũng phát hiện rằng 45.7% phụ nữ trải qua “matahara” đã phải chịu đựng sự đối xử bất công trong im lặng vì họ không có ai cho lời khuyên hay giúp đỡ.
Theo Lê Minh/ Trí Thức Trẻ/ The Straits Times