Bữa ăn ở Nhật thường có hải sản, một miếng cá nướng hay rán, cá sống, hoặc những loại hải sản khác có thể đóng vai trò là món ăn chính.
Sắp xếp bàn ăn, nêm nếm gia vị và khẩu phần
Ẩm thực Nhật Bản có rất nhiều điều khác biệt so với các nền văn hóa khác trên thế giới. Đối với người dân sống ở khu vực châu Á, ẩm thực Nhật Bản cũng quan trọng như ẩm thực Pháp đối với người châu Âu. Bí quyết của nó nằm trong sự lựa chọn nguyên liệu kỹ lưỡng, thẩm mỹ của món ăn và sự trân trọng đối với nguyên liệu nói chung.
Chỉ có món quà tuyệt hảo nhất của đất và nước là xứng đáng có mặt trên bàn ăn, và mục tiêu chính của người đầu bếp chính là làm cách nào để giữ được những tính chất ban đầu của nguyên liệu. Nguyên tắc lớn nhất trong văn hóa ẩm thực Nhật Bản: “Đừng tự tạo ra, hãy tìm kiếm và khám phá”, bởi một lẽ đơn giản là chẳng một ai có thể cạnh tranh với sự sáng tạo của tự nhiên.
Một phần thiết yếu của ẩm thực Nhật Bản là nghệ thuật sắp xếp bàn ăn. Người Nhật ăn bằng “mắt”, bởi đối với họ cách trưng bày các đĩa thức ăn rất quan trọng. Hầu như không có nơi nào trên thế giới này mà nhãn quang lại tham gia vào bữa ăn với mức độ giống như ở Nhật Bản. Có lẽ điều này xuất phát từ quá khứ, khi mà thẩm mỹ và sự tinh tế của món ăn có thể thay thế một danh sách tương đối các nguyên liệu.
Màu sắc món ăn của Nhật Bản còn thể hiện từng mùa trong năm, và mỗi một mùa lại ban tặng một sự thanh nhã rất riêng của mình. Sự tương thích với từng mùa cùng với sự tươi ngon của nguyên liệu được đánh giá cao hơn cả quá trình chuẩn bị.
Người ta cũng dành rất nhiều sự chú ý cho chất lượng của món ăn được phục vụ. Không giống như ẩm thực Nga với khẩu phần lớn, tất cả các món ăn của Nhật Bản thường có lượng nhỏ để người ăn không bị quá no. Người Nhật thích những bữa ăn bao gồm nhiều món nhỏ mang những hương vị khác nhau. Bữa ăn Nhật cổ điển thường có 15-20 món nhỏ được phục vụ lần lượt trong suốt bữa.
Gạo đối với sức khỏe
Một trong những cái tên cổ đại của Nhật Bản là “vùng đất quê hương của lúa gạo”. Không thể nghi ngờ điều này khi mà Nhật Bản là nơi sản sinh ra nền văn hóa thâm canh từ 250 năm về trước. Thời điểm này được coi là đánh dấu cho sự khai sinh của loại nguyên liệu chính trong ẩm thực xứ Phù Tang, và đến tận bây giờ vẫn chính là gạo (gohan). Người Nhật ăn cơm 2-3 lần một ngày. Họ tin rằng cơm gạo có thể bảo vệ sức khỏe.
Cá và hải sản
Là một quốc đảo thuộc vùng biển Nhật Bản, nơi rất nhiều loài cá và động vật thân mềm sinh sống, hiển nhiên thành phần quan trọng bậc nhì trong khẩu phần dinh dưỡng cho người dân nơi đây chính là cá và hải sản, ngoài ra còn có rong và tảo biển. Người Nhật biết hơn 10 ngàn loài động vật biển mà hầu hết có thể ăn được. Họ có phong tục nướng cá và những loài hải sản khác, hoặc có thể nướng qua, hầm, hấp hoặc phục vụ tươi sống.
Món ăn được ưa thích nhất ở Nhật là sashimi – cá tươi sống thái lát. Để làm nổi bật hương vị tự nhiên của cá, sashimi thường được ngâm trong xì dầu hòa với mù tạt. Một món ăn khác rất nổi tiếng không chỉ ở Nhật Bản mà còn ở nhiều nước trên thế giới có thể kể đến là sushi, đơn giản bởi nó rất dễ ăn và tương đối rẻ.
Đôi khi, cá và hải sản không chỉ đơn giản là được ăn tươi, mà còn là ăn sống, những món ăn như thế được gọi là odori. Quá trình chuẩn bị như sau: cá được rửa sạch bởi nước đang sôi, dội nước xốt, cắt thành miếng nhỏ và thưởng thức, dù trong lúc đó con cá vẫn vẫy đuôi và cử động môi.
Thịt và những sản phẩm từ sữa
Những món ăn chế biến từ thịt bò và thịt lợn xuất hiện trên bàn ăn của người Nhật dưới sự ảnh hưởng của ẩm thực Trung Hoa. Tuy nhiên, nói một cách công bằng, chúng cũng không phổ biến lắm. Số lượng món ăn có thịt bò và thịt lợn chỉ gia tăng bắt đầu từ thế kỷ 19 khi mà ngày càng nhiều người châu Âu bắt đầu đến Nhật.
Đến với một bữa ăn truyền thống của người Nhật Bản
Để hiểu thêm về ẩm thực Nhật Bản, thật hữu ích khi tìm hiểu về thành phần cơ bản của một bữa ăn điển hình. Bữa tối hầu như thường bao gồm một món chính cùng vài món ăn kèm cùng một lúc.
Cơm
Mỗi bữa ăn của người Nhật đều có cơm. Tuy nhiên, có rất nhiều loại cơm có thể xuất hiện trên bàn ăn, ví dụ như cơm gạo trắng (hakumai), gạo nâu (genmai), hoặc cơm trộn với lúa mạch (mugi). Cũng có rất nhiều món cơm được nêm nếm thêm bằng cách hấp cùng rau hoặc hải sản.
Cơm gạo trắng thường được ăn kèm với rong biển (nori) hoặc gia vị (furikake) trộn với rau khô, trứng, tảo biển, thịt cá ngừ hoặc hạt vừng. Bên cạnh gia vị khô còn có loại gia vị ướt được gọi là tsukudani, làm từ tảo biển hoặc tảo bẹ, đôi khi trộn cùng cá khô hoặc loại hải sản khác.
Súp
Ba loại súp phổ biến nhất là súp đậu hũ, súp rau hải sản và một loại ít phổ biến hơn là súp nước hầm thịt. Hầu như các món súp đều được ăn lúc còn nóng.
Dưa chua
Gồm đa dạng các loại rau và quả ngâm giấm, ăn kèm với cơm.
Salad
Có loại salad rau diếp theo phong cách phương Tây, nhưng cũng có thể bao gồm rau ướp giấm (sunomono) hay thậm chí salad rau nấu chín (ohitashi).
Thịt
Bữa ăn ở Nhật thường có hải sản, một miếng cá nướng hay rán, cá sống, hoặc những loại hải sản khác có thể đóng vai trò là món ăn chính. Tuy nhiên ngày này, không chỉ giới hạn ở hải sản mà còn có rất nhiều loại thức ăn chứa đạm khác như thịt gà, lợn và bò.
Rau củ
Không chỉ có hải sản, rau cũng là một món ăn “thống lĩnh” trên bàn ăn. Thông thường, người ta hầm rau với nước xuýt, áp chảo hoặc đơn giản là luộc hay hấp, ăn kèm xì dầu và mayonaise.
Đồ uống
Trà xanh nóng hoặc các loại trà Nhật khác sẽ được dùng trong suốt bữa ăn. Trà lúa mạch lạnh (mugicha) thường được dùng trong mùa ấm. Người ta cũng dùng chất có cồn như rượu sake và bia trong bữa tối.
Tráng miệng
Có khá nhiều món tráng miệng như bánh gạo ngọt (mochi), bánh kem, đậu ngọt, thạch và những món đông lạnh. Ngoài ra còn có trái cây và bánh quy.
Theo Emdep (Nguồn tasteofjapan, japanesefood)